Thông tin khoa học và công nghệ

Phát hiện 3 hợp chất neo-clerodane diterpene mới từ loài bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don)

on .

Loài bán chi liên có tên khoa học Scutellaria barbata D. Don. Đây là loại cây thảo thuộc họ hoa môi Lamiaceae. Loài bán chi liên có phân bố rộng ở các tỉnh phía bắc nước ta, thường gặp ở ruộng, bãi hoang, những nơi sáng và ẩm.

  

 Loài bán chi liên (Nguồn: internet)
 Loài bán chi liên (Nguồn: internet) 

 

Trong đông y, cả cây bán chi liên được sử dụng làm thuốc, có thể sử dụng để trị khối u tân sinh, áp se phổi, trị rắn cắn, hay trị viêm ruột thừa, viêm gan, xơ gan. Các nhà khoa học trên thế giới đã có một số nghiên cứu cho thấy loài bán chi liên có tác dụng hữu hiệu trong điều trị ung thư như ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư trực tràng. Các hợp chất neo-clerodane diterpene có trong loài bán chi liên cũng được phát hiện là những chất có tác dụng diệt tế bào ung thư và góp phần giải thích tác dụng trị ung thư của cây thuốc quý này.

Tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng gây độc tế bào ung thư của loài bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don), các nhà khoa học Viện Hóa sinh biển đã phân lập được 3 hợp chất diterpene neo-clerodane mới (Các hợp chất ký hiệu từ số 1-3, được đặt tên gọi lần lượt là Scutebarbatolide A-C).

 

 
 Cấu trúc hóa học của một số hợp chất neo-clerodane diterpene phân lập từ loài bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don)

 

Điểm mới trong cấu trúc hóa học của 3 hợp chất này là sự xuất hiện đồng thời của các nhóm chức ester nội phân tử và liên phân tử, sự xuất hiện của các gốc axit hữu cơ như acetyl, benzyl, nicotyl, hay sự xuất hiện của nhiều trung tâm carbon bất đối. Bên cạnh các cấu trúc hóa học mới, 5 hợp chất neo-clerodane diterpene khác cũng được phân lập. Các hợp chất này đều là những chất có cấu trúc hóa học tiêu biểu cho các hợp chất có trong loài bán chi liên. 2 trong số 3 hợp chất có cấu trúc hóa học mới đã nhận thấy có tác dụng gây độc tế bào ung thư (Hợp chất số 12, giá trị IC50 trong khoảng 30.8 tới 76.2 µM) trên các dòng tế bào ung thư ở người như ung thư tuyến tiền liệt (LNCaP), ung thư gan (HepG2), ung thư biểu mô (KB), ung thư vú (MCF7), và ung thư da (SK-Mel2). Các kết quả nhận được củng cố thêm cho tác dụng trị bệnh ung thư của loài bán chi liên và nhấn mạnh đến các hợp chất neo-clerodane diterpene là những hợp chất tiềm năng có tác dụng diệt tế bào ung thư. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế ISI: Phytochemistry letters, số 29, trang 65-69, xuất bản tháng 2 năm 2019.

Xử lý tin: Bùi Hữu Tài

 

 

  

 

 

 Bản quyền thuộc về Viện Hóa sinh biển. Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin